ĐỊNH VỊ VIỆT NAM TRONG CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA NHẬT BẢN

2024/1/26
 
 
YAMADA Takio
Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam
 
  1. Lời khai mạc
Kính thưa Ngài Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh,
Kính thưa Ngài Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương,
Kính thưa Ngài Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao,
Kính thưa Ngài Phan Anh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam,
Kính thưa Bà Nguyễn Phương Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam,
Kính thưa các quí vị có liên quan, các bạn học viên của Học viện Chính trị Quốc gia HCM
Kính thưa quí vị đại biểu phía Nhật Bản
 
Trong năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam, đã có nhiều sự kiện giao lưu, kỷ niệm tuyệt vời được tổ chức ở nhiều cấp độ khác nhau giữa hai nước, phản ánh mối quan hệ Nhật – Việt hiện tại đang được đánh giá là tốt đẹp nhất trong lịch sử.
Trong số đó, tại cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng Kishida Fumio và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào tháng 11 năm ngoái, hai bên đã đưa ra một quyết định mang tính lịch sử, đó là nâng tầm quan hệ hai nước lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng ở Châu Á và trên Thế giới”. Sang tháng 12, khi sang thăm Nhật Bản nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Nhật Bản – ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm cấp cao với Thủ tướng Kishida. Hai bên đã tiến hành trao đổi ý kiến với những nội dung sâu sắc về việc cụ thể hoá quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện”.
Trong thời gian sắp tới, chúng ta sẽ phát triển hơn nữa quan hệ Nhật – Việt đã được vun bồi trong 50 năm qua với những nội hàm tương xứng với tên gọi mới là “Đối tác Chiến lược Toàn diện”. Hôm nay, tôi cảm thấy thực sự vui mừng khi phía Nhật Bản có thể phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đón tiếp tất cả quí vị - những người đã ủng hộ cho mối quan hệ hợp tác Nhật Việt đến đây để tham dự Hội thảo cấp cao kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam, được coi là bước đi đầu tiên cho hành trình 50 năm sắp tới.  
Trước tiên, tôi xin gửi lời cảm ơn từ đáy lòng mình đến GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia HCM, cùng toàn thể quí vị có liên quan, những người đã đóng góp hết sức cho công tác tổ chức Hội thảo lần này. Tôi cũng xin gửi lời tri ân đến tất cả quí vị của hai phía Việt Nam và Nhật Bản sẽ có bài thuyết trình, cũng như cảm ơn quí vị và các bạn học viên tham gia Hội thảo lần này.
Như quí vị đã biết, dưới sự lãnh đạo của Ngài Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện – đồng thời là Uỷ viên Bộ Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là học viện hàng đầu của Việt Nam, nơi nhiều cán bộ chính trị - hành chính của Đảng và Chính phủ Việt Nam được trui rèn để chuẩn bị cho tương lai. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng là một trong những đối tác quan trọng nhất đối với Đại sứ quán Nhật Bản, là nơi trong những năm gần đây chúng tôi đã tiến hành nhiều hoạt động trao đổi ý kiến và hợp tác cấp độ cao. Hôm nay, với sự hợp tác của Học viện, Hội thảo đã nhận dược sự tham dự của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đầu ngành thuộc nhiều lĩnh vực trong quan hệ đối tác Nhật – Việt, cũng như sự tham gia của nhiều bạn học viên trẻ tuổi, những người sẽ gánh vác tương lai của đất nước Việt Nam sau này. Với ý nghĩa đó, Hội thảo hôm nay là một dịp thật tương xứng để chúng ta cất bước cho chặng đường 50 năm sắp tới của quan hệ Nhật Bản – Việt Nam. 
 
2. Hướng đến Đối tác Chiến lược Toàn diện từ những kết nối lịch sử văn hoá giữa hai nước
Quan hệ Nhật Bản – Việt Nam hiện nay được cho là đang ở mức độ cao nhất trong lịch sử trên tất cả các phương diện, tiêu biểu là chính trị - kinh tế. Tôi xin mượn dịp này để trình bày quan điểm của mình về lý do tại sao quan hệ Nhật Bản – Việt Nam lại trở nên gần gũi nhanh chóng như vậy, cũng như những suy nghĩ của tôi về quan hệ Nhật Bản – Việt Nam trong thời gian sắp tới.
 
(1) Bối cảnh thắt chặt quan hệ Nhật Bản – Việt Nam (Sự “cộng cảm và cộng hưởng” bắt nguồn từ những kết nối lịch sử - văn hoá)
           Không cần phải nói lại rằng, việc nhanh chóng thắt chặt mối quan hệ giữa hai quốc gia là kết quả của sự thống nhất về lợi ích chính trị và kinh tế giữa hai nước. Trong bối cảnh tình hình quốc tế đã có sự thay đổi to lớn, tầm quan trọng của hợp tác Nhật – Việt đang ngày một tăng lên, không chỉ đối với hai nước mà đối với cả khu vực và thế giới. Về những điểm này, tôi xin phép sẽ đề cập ở phần sau.
              Mặt khác, tôi cho rằng sẽ khó có thể giải thích được quá trình thắt chặt quan hệ giữa hai nước nhanh chóng như thời gian vừa qua nếu chỉ nhìn từ những lợi ích về mặt kinh tế và chính trị hay bối cảnh khu vực và thế giới. Tôi tin rằng đằng sau quá trình thắt chặt quan hệ một cách nhanh chóng như vậy còn có một yếu tố đặc thù nữa, đó là sự “cộng cảm và cộng hưởng” chỉ có giữa hai nước, được sản sinh một cách vô thức nhờ những kết nối lâu đời về mặt lịch sử và văn hoá.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia gần gũi nhất với khu vực Đông Bắc Á, không chỉ về mặt địa lý, mà xét cả trên các góc độ lịch sử văn hoá. Có ghi chép cho thấy nhiều mối quan hệ giao lưu về mặt lịch sử giữa Nhật Bản và Việt Nam. Trước tiên, ở đây, tôi muốn giới thiệu một vài ví dụ về mối quan hệ giao lưu trong lịch sử hai nước.
Vào thế kỷ 8, Có câu chuyện về Phật Triết, một nhà sư Lâm Ấp, đã sang Nhật Bản và biểu diễn điệu nhạc Lâm Ấp tại Lễ Khai nhãn tượng Đại Phật ở chùa Todaiji (Nara). Người ta nói rằng, nhạc Lâm Ấp mà Phật Triết biểu diễn đã ảnh hưởng đến nhã nhạc của Nhật Bản.
Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII, hoạt động thương mại Châu ấn thuyền đã kết nối sâu sắc hai quốc gia. Việt Nam chiếm vị trí áp đảo trong những điểm đến của tàu thương mại Nhật Bản được Mạc phủ Tokugawa cấp giấy phép Châu ấn trạng, người ta cũng nói rằng Tokugawa Ieyasu rất thích gỗ thơm (“già la” hay “trầm hương”) của Việt Nam. Tại phố cảng Hội An ở miền Trung Việt Nam đương thời còn có khu phố Nhật, người ta đã xây dựng Cầu Nhật Bản, nhiều sản phẩm gốm sứ và tơ lụa của Việt Nam đã được đưa sang Nhật Bản. Đến tận ngày nay, người ta vẫn truyền tụng câu chuyện tình giữa Công nữ Anio của Chúa Nguyễn ở Quảng Nam với Araki Sotaro, một thương nhân ở Nagasaki.
Bên cạnh lịch sử giao lưu lâu đời như vậy, sự tương đồng giữa Việt Nam với các quốc gia Đông Bắc Á, tiêu biểu là Nhật Bản, còn được thể hiện ở nền văn hoá tinh thần chịu ảnh hướng mạnh mẽ của Nho giáo hay Phật giáo Đại thừa, hay kho từ vựng có nhiều từ bắt nguồn từ chữ Hán. Tôi gọi đó là tính chất Đông Bắc Á của Việt Nam. Tính chất Đông Bắc Á được vun bồi một cách vô thức trong lịch sử lâu dài như vậy đã sản sinh ra sự “cộng cảm và cộng hưởng” giữa người Nhật và người Việt. Tôi rất ấn tượng trước hình ảnh những thanh niên Việt Nam đổ mồ hôi cần cù làm việc, mỗi khi đi du lịch ở Việt Nam, tiếp xúc với phong cảnh đồng quê cũng như với người dân ở các địa phương của Việt Nam, tôi đều cảm thấy nỗi nhớ quê hương, hay câu chuyện người Việt thoải mái đón nhận văn hoá Anime, điện ảnh, âm nhạc của Nhật Bản. Thật không thể kể xiết những ví dụ tương tự.
Những kết nối về mặt con người cũng như tình cảm hữu nghị của nhân dân hai nước, được hỗ trợ bởi những tương đồng về mặt tinh thần như vậy, chắc chắn là tài sản quan trọng nhất khi xem xét quan hệ Nhật – Việt. Tôi trước tiên muốn chỉ ra rằng đằng sau việc thắt chặt một cách nhanh chóng quan hệ giữa hai nước đã có sự kết nối về mặt con người dựa trên sự “cộng cảm và cộng hưởng” như vậy.
Chính việc trân trọng những kết nối về mặt con người, và giúp những kết nối đó trở nên bền chặt hơn sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy mối quan hệ Nhật - Việt trong tương lai. Để thực hiện được điều đó, việc triển khai những hoạt động giao lưu một cách rộng rãi, thông qua các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch... ở nhiều cấp độ khác nhau, từ cấp độ nhân dân đến cấp độ địa phương, và giữa những thế hệ kế tiếp sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng. Với ý nghĩa như vậy, các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam năm ngoái có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi có hơn 500 sự kiện kỷ niệm được tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau. Đại sứ quán Nhật Bản mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác của quí vị để có thể phát huy được động lực phát triển này.
 
(2) Những thay đổi lớn trong tình hình khu vực – thế giới hiện tại và quan hệ Nhật Bản – Việt Nam
Trên đây, tôi đã trình bày về việc Nhật Bản và Việt Nam đã có đầy đủ nền tảng về mặt lịch sử và văn hoá để xây dựng nên mối quan hệ song phương tốt đẹp nhất, giữa nhân dân hai nước đã có sự “cộng cảm và cộng hưởng” một cách vô thức được vun bồi qua một quá trình lâu dài.
Ở phần tiếp theo, tôi muốn chú ý đến tình hình quốc tế hiện tại, và trao đổi về việc những thay đổi to lớn trong môi trường chiến lược kinh tế và an ninh trong khu vực và trên thế giới đang nâng tầm mối quan hệ Nhật Bản-Việt Nam như thế nào.
Tôi cho rằng việc lãnh đạo hai nước nâng tầm quan hệ Nhật - Việt thành “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại Châu Á và trên Thế giới” trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào tháng 11 năm ngoái là một quyết định sáng suốt dựa trên những thay đổi lớn trong môi trường chiến lược của khu vực và thế giới.
 
(i) Hợp tác Nhật – Việt trong lĩnh vực chính trị - an ninh
Không quá lời khi nói rằng tình hình quốc tế hiện nay đang đón nhận một bước ngoặt lớn của lịch sử. Trong bối cảnh đa dạng hoá, cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với nguy cơ chia rẽ và đối lập.
Lập trường nhất quán của Nhật Bản là thứ nhất, thoát ly khỏi sự chi phối dựa trên sức mạnh, hướng đến sự chi phối dựa trên pháp quyền thông qua việc tuân thủ một cách trung thực luật pháp quốc tế, thứ hai là nhất quyết không chấp nhận những nỗ lực thay đổi hiện trạng lãnh thổ thông qua vũ lực hoặc ép buộc, thứ ba là hợp tác đối phó những hành vi vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Trên cơ sở đó, để tăng cường xu hướng hợp tác quốc tế, tất cả các quốc gia và khu vực cấu thành cộng đồng quốc tế cần phải quay lại với những nguyên tắc như trật tự quốc tế tự do, rộng mở dựa trên pháp quyền, tính khai phóng, bao trùm, tính minh bạch và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Kể từ khi công bố “Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Rộng mở và Tự do (FOIP)” năm 2016 cho đến nay, Nhật Bản đã thúc đẩy những nỗ lực chiến lược nhằm hiện thực hóa FOIP với sự hợp tác của các quốc gia có chung quan điểm với Nhật Bản. Kết quả là, giờ đây FOIP đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong cộng đồng quốc tế, nhiều cuộc thảo luận và hợp tác khác nhau đang được tiến hành. “Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” mà ASEAN thúc đẩy cũng truy cầu những nguyên tắc tương tự FOIP. Nhật Bản coi Việt Nam là đối tác thiết yếu để thực hiện FOIP bởi Việt Nam nằm ở vị trí xung yếu về mặt địa chính trị, kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Ngay trong Tuyên bố chung được công bố khi tầng tầm quan hệ Nhật Việt thành “Đối tác Chiến lược Toàn diện” cũng có nhiều đoạn đề cập đến việc thực hiện FOIP.
Ngoài ra trong Tuyên bố chung Nhật – Việt vào tháng 11 năm ngoái, hai bên đã xác nhận sẽ thúc đẩy hợp tác ở nhiều khía cạnh trong lĩnh vực quốc phòng, bao gồm cả việc chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng, về việc Nhật Bản sẽ xem xét sự hợp tác trong khuôn khổ “Hỗ trợ tăng cường năng lực năng lực an ninh chính phủ” (OSA), bên cạnh đó cũng tuyên bố sẽ duy trì và tăng cường đối thoại và thảo luận giữa cơ quan hữu quan của hai nước. Ngoài ra, trên cơ sở tình hình quốc tế trước đây và hiện nay, lãnh đạo hai nước cũng nhất trí về việc hợp tác bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh trên biển, cũng như mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực như tình báo, cảnh sát.   
 
(ii) Hợp tác Nhật – Việt trong lĩnh vực kinh tế
Những thay đổi lớn trong môi trường chiến lược tại khu vực và thế giới hiện tại đã đem đến làn gió thúc đẩy quan hệ kinh tế Nhật – Việt thông qua việc dịch chuyển chuỗi cung ứng trên thế giới, đổi mới công nghệ như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Ngoài ra, những yếu tố hấp dẫn của Việt Nam như tăng trưởng kinh tế cao, cấu trúc dân số trẻ, nguồn lao động phong phú và có chất lượng tốt, thị trường đang mở rộng, tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng cũng trở thành yếu tố hấp dẫn thu hút nguồn vốn FĐI từ các quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, đến Việt Nam.
              Hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đang có mối quan tâm cao đến việc đầu tư vào Việt Nam. Điều này được thể hiện ngay trong các cuộc khảo sát. Lấy ví dụ, trong cuộc khảo sát do JETRO tiến hành năm 2023, Việt Nam là quốc gia mà các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản mong muốn đầu tư nhất (31,7%), hơn nữa gần 60% doanh nghiệp Nhật Bản đang xem xét mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Kishida và Thủ tướng Chính đã nhất trí với nhận thức rằng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế là động lực không thể thiếu để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Điều này hết sức quan trọng vì nó thể hiện rằng hai bên đã xác nhận lại ý nghĩa chiến lược của hợp tác trong lĩnh vực kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam trong bối cảnh tình hình khu vực – thế giới hiện tại.
 
(Hiện đại hoá, công nghiệp hoá của Việt Nam)
Ngoài ra, trong Tuyên bố chung tháng 11 năm ngoái, Nhật Bản cũng khẳng định lại cam kết hỗ trợ cho một nước Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại. Hôm nay sẽ có bài trình bày của ERIA liên quan đến nội dung này, và trong thời gian sắp tới, để đạt được mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bước chân vào hàng ngũ các nước phát triển có thu nhập cao, Việt Nam sẽ phải giải cho được những bài toán về hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội ở quy mô lớn, phát triển công nghiệp trong nước, bên cạnh đó là việc chuyển giao công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, công nghiệp, thu hút hơn nữa đầu tư nước ngoài. Nhật Bản sẽ tiếp tục và tăng cường hợp tác với Việt Nam trong những lĩnh vực đó.
 
(Hợp tác ODA)
Về ODA, vào tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Chính và Thủ tướng Kishida đã hoan nghênh việc số vốn ODA do Nhật Bản cung cấp trong năm tài khoá năm 2023 đã lần đầu tiên vượt mức 100 tỷ yên tính từ năm 2017, hai nước cũng đã xác nhận sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác tương hỗ để tái đẩy mạnh nguồn vốn ODA của Nhật Bản, thúc đẩy các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại Việt Nam. Ngoài ra, trong những năm trước đây, hợp tác ODA giữa Nhật Bản và Việt Nam vấp phải nhiều vấn đề như tiến độ thực thi các dự án bị chậm, nhưng cuộc họp giữa lãnh đạo hai nước đã có kết quả lớn, khi hai bên xác nhận hai chính phủ, dưới sự chỉ đạo mạnh mẽ của lãnh đạo hai nước, sẽ tham gia và giải quyết những vấn đề liên quan đến ODA.
 
(Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh)
Ngoài ra, trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ đang thay đổi nhanh chóng có tác động đến môi trường chiến lược toàn cầu, tôi cho rằng quan hệ Nhật – Việt cũng có bước tiến triển mới khi lãnh đạo cấp cao hai nước đã khẳng định sẽ phát triển mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi xanh (GX) và chuyển đổi số (DX).
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, đang xuất hiện xu hướng hợp tác đầu tư mới và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực giữa 2 nước Nhật Bản và Việt Nam. Nhật Bản mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam như một đối tác đồng sáng tạo. Sự hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số sẽ là một mặt trận mới trong hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam, một lĩnh vực có nhiều tiềm năng.
Việt Nam đặt mục tiêu đứng vào hàng ngũ các quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời cũng nêu ra một mục tiêu đầy tham vọng là trung hòa carbon vào năm 2050. Làm thế nào để đạt được mục tiêu kép là tăng trưởng kinh tế và trung hòa carbon là một chủ đề vô cùng thách thức đối với Việt Nam. Ngoài ra, đứng từ góc độ đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu với quy mô toàn cầu, đây cũng là một vấn đề không thể tránh khỏi. Về điểm này, năm ngoái, với sáng kiến của Thủ tướng Kishida, Nhật Bản đã phát động “Sáng kiến Cộng đồng phát thải ròng bằng không Châu Á” (AZEC) nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon tương xứng với hoàn cảnh thực tế của mỗi quốc gia châu Á. Trong khuôn khổ sáng kiến này, Nhật Bản sẽ tăng tốc hợp tác phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam, bao gồm cả lĩnh vực chuyển đổi xanh (GX).
 
(Đào tạo nhân lực)
Cuối cùng, tôi muốn nói về “nguồn nhân lực”. Chúng tôi tin rằng sự tồn tại của nguồn nhân lực Việt Nam có tay nghề cao và năng động là yếu tố chính giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế vượt bậc. Ngoài ra, khoảng 1/4 số lao động nước ngoài hiện đang làm việc tại Nhật Bản là người Việt Nam và vai trò của họ đối với sự phát triển kinh tế của cả hai nước là vô cùng lớn.
Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hoá và tập trung phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong các lĩnh vực như IT. Không chỉ Nhật Bản mà các nước khác trên thế giới cũng đang rất quan tâm đến nguồn nhân lực này. Tôi cho rằng Nhật Bản phải khiêm tốn chấp nhận một thực tế là chúng tôi không còn là bên có quyền lựa chọn nguồn nhân lực có chất lượng của Việt Nam, mà đã trở thành bên được phía Việt Nam lựa chọn. Ở cả hai nước, cần hoàn thiện được môi trường cũng như vòng tuần hoàn mà trong đó Nhật Bản có thể tích hợp một cách khéo léo chuyên môn của nguồn nhân lực chất lượng cao từ Việt Nam vào hoạt động kinh doanh, cũng như cung cấp cho họ những cơ hội có thể yên tâm phát huy lâu dài tại Nhật Bản, từ đó cũng tạo ra những cơ hội kinh doanh mới cho cả hai phía Nhật – Việt.
Nguồn nhân lực Việt Nam không còn là nguồn lao động giá rẻ, mà đã trở thành động lực để kích thích doanh nghiệp Nhật Bản và tiếp đó là kinh tế Nhật Bản. Hai nước Nhật Việt cần hợp tác tìm ra lối đi để nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam có thể cống hiến cho sự phát triển kinh tế của cả hai nước, Nhật Bản chúng tôi hiện nay đang đứng trước đòi hỏi phải có được nhận thức như vậy.
 
3. Tổng kết
Như đã trình bày với quí vị, quan hệ hai nước Nhật Bản – Việt Nam dựa trên nền tàng là sự “cộng cảm và cộng hưởng” được sản sinh từ những kết nối văn hoá – tinh thần qua một lịch sử lâu đời, hiện nay lại đang đón làn gió thay đổi to lớn về môi trường chiến lược khu vực và quốc tế, và có triển vọng phát triển hơn nữa hướng đến tương lai. Tôi cho rằng hậu thế khi nhìn lại năm 2023, năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Việt và cũng là năm hai bên nâng cấp quan hệ thành “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hoà bình và phồn vinh của khu vực và trên thế giới”, sẽ đánh giá đây là năm tạo ra một bước nhảy vọt lớn mạnh cho mối quan hệ hai nước, dựa trên nền tảng bình đẳng, hướng đến tương lai và hướng ra thế giới. 
Hướng đến 50 năm tới, hai phía Nhật Bản và Việt Nam cần tập trung trí tuệ song phương trên nhiều lĩnh vực để phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Nhật – Việt. Trong bối cảnh đó, tôi kỳ vọng rằng Hội thảo lần này sẽ diễn ra nhiều thảo luận sôi nổi và có ý nghĩa giữa các chính trị gia, nhà nghiên cứu hàng đầu của cả hai phía Nhật Bản và Việt Nam.
Tôi muốn kết thúc bài phát biểu của mình bằng lời chúc mối quan hệ Nhật Bản – Việt Nam sẽ có những bước tiến nhảy vọt hơn nữa hướng đến tương lai và hướng ra thế giới, bắt đầu từ dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.