Nỗ lực của Nhật Bản trong thực hiện sáng kiến “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) / Hỗ trợ nâng cao năng lực đảm bảo an toàn, an ninh trên biển cho Việt Nam

2020/12/25
Tàu đã qua sử dụng (tàu kiểm ngư của Tổng cục Thủy sản Nhật Bản) do Chính phủ Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam được cải hoán thành tàu cảnh sát biển CSB6001
Bài viết dưới đây giới thiệu về những nỗ lực của Nhật Bản trong thực hiện sáng kiến “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP), cụ thể là hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực đảm bảo an ninh, an toàn trên biển cho Việt Nam. Bài viết được đăng trên tạp chí e-mail magazine về ODA của Bộ Ngoại giao Nhật Bản tại đường link sau. 
https://www.mofa.go.jp/mofaj/gaiko/oda/mail/bn_434.html
 
Kakinuma Shunji, Bí thư Ban Chính trị/Ban Kinh tế, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
 
 Trong những năm gần đây, xung đột về lợi ích biển ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang có xu hướng gia tăng, cùng với đó các hoạt động kinh tế biển ngày càng sôi nổi kéo theo nguy cơ xảy ra các thảm họa như tai nạn va chạm, tràn dầu ngày một cao. Ứng phó với những mối đe dọa này là lực lượng đảm bảo an ninh, an toàn trên biển của mỗi nước. Tuy nhiên, khi toàn cầu hóa được đẩy mạnh, các quốc gia ven biển khó có thể ứng phó một cách đơn lẻ với các mối đe dọa kể trên mà đòi hỏi phải có sự liên kết, hợp tác xuyên biên giới với các quốc gia khác.

 Nhật Bản đang thúc đẩy sáng kiến “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) bắt nguồn từ mong muốn duy trì hòa bình, thịnh vượng của toàn khu vực và thế thới thông qua việc hiện thực hóa một trật tự quốc tế trên biển tự do và rộng mở, dựa trên luật lệ. Trong quá trình hiện thực hóa FOIP, việc đảm bảo an ninh, an toàn trên biển giữ vai trò rất quan trọng, do đó Nhật Bản đang nỗ lực tăng cường hợp tác nâng cao năng lực và liên kết với cơ quan đảm bảo an ninh, an toàn trên biển của các nước.

 Tại Việt Nam, có nhiều cơ quan cùng tham gia tiến hành thực thi pháp luật và tìm kiếm cứu nạn trên biển, bên cạnh Cảnh sát biển Việt Nam còn có Cục Kiểm ngư - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải - Bộ Giao thông Vận tải .... Tuy nhiên, đóng vài trò chính trong đảm bảo an ninh, an toàn trên biển phải kể đến lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (Vietnam Coast Guard). Dưới đây, tôi xin giới thiệu một số hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực dành cho Cảnh sát biển Việt Nam mà Nhật Bản đang thực hiện.
Tàu đã qua sử dụng (tàu cá) do Chính phủ Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam được cải hoán thành tàu cảnh sát biển CSB6003
 Về hỗ trợ trang thiết bị, Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp cho Cảnh sát biển Việt Nam 3 tàu (tàu cá cỡ lớn) đã qua sử dụng thông qua chương trình phi dự án sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại năm 2014. 3 tàu này sau đó được cải hoán thành tàu tuần tra, hoạt động tại các vùng biển ven bờ, vùng biển thuộc biển Đông của Việt Nam. Thêm vào đó, 6 tàu tuần tra (tàu đa năng dài 80m) dự kiến sẽ được đóng mới và cung cấp cho Việt Nam theo Hiệp định vốn vay (trị giá 36,6 tỷ yên) mà Chính phủ hai nước đã ký kết và trao đổi công hàm (E/N) vào tháng 06 năm 2017. Do các cơ quan tài chính Việt Nam áp dụng chính sách thắt chặt chi tiêu, thủ tục liên quan đến Hợp đồng cho vay (L/A) của dự án bị trì hoãn trong thời gian dài và đạt được ký kết vào tháng 07 năm 2020. Trong bối cảnh đó, các con tàu tuần tra đóng mới càng được kỳ vọng sẽ sớm hoàn thành và chuyển giao cho Việt Nam. 
Hội thảo về cứu nạn, giới thiệu kỹ thuật lai dắt do MCT tổ chức tháng 10 năm 2019
 Khi số lượng tàu tuần tra tăng lên thì đào tạo nguồn nhân lực vận hành tàu trở thành nhiệm vụ cấp thiết. Tháng 09 năm 2015, Cảnh sát biển Nhật Bản và Cảnh sát biển Việt Nam ký kết “Biên bản ghi nhớ hợp tác” (MOC) giữa hai lực lượng. Theo đó, Cảnh sát biển Nhật Bản đã tiến hành nhiều hoạt động hỗ trợ đào tạo nhân lực cho Cảnh sát biển Việt Nam thông qua các khóa tập huấn, hội thảo. Đơn cử trong năm 2019, Đội hợp tác cơ động Cảnh sát biển Nhật Bản (Japan Coast Guard Mobile Corporation Team - lực lượng hợp tác quốc tế chuyên trách hỗ trợ nâng cao năng lực đảm bảo an ninh, an toàn trên biển cho các nước khác, thành lập tháng 10 năm 2017) đã tổ chức khóa tập huấn về kiểm tra tàu tại chỗ (tháng 06), tập huấn thực tế trên tàu huấn luyện Nhật Bản hành trình từ Đà Nẵng, Việt Nam đến Kure, Nhật Bản (tháng 07), hội thảo tìm kiếm cứu nạn (tháng 10) dành cho cán bộ Cảnh sát biển Việt Nam. 
Máy bay Falcon hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội tháng 12 năm 2018
Tàu cảnh sát biển Việt Nam CSB8002 cập cảng Yokohama tháng 12 năm 2019. Đây là lần đầu tiên một tàu tuần tra của lực lượng bảo an trên biển trong khu vực Đông Nam Á tới thăm Nhật Bản.
 Ngoài ra, tàu tuần tra cập cảng thăm lẫn nhau là hoạt động tượng trưng cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai lực lượng. Kể từ sau khi ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác năm 2015, hàng năm (không kể năm 2020) tàu của Cảnh sát biển Nhật Bản đều thăm hữu nghị thành phố Đà Nẵng. Gần đây nhất, tàu huấn luyện Kojima cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng vào tháng 07 năm 2019, máy bay Falcon chở đoàn công tác Cảnh sát biển Nhật Bản hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội tháng 12 năm 2018. Tháng 12 năm 2019, tàu cảnh sát biển Việt Nam CSB8002 cập cảng Yokohama, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một tàu tuần tra từ cơ quan bảo an trên biển trong khu vực Đông Nam Á tới Nhật Bản. 
Tàu huấn luyện Kojima cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng tháng 07 năm 2019
 Bên cạnh đó, chương trình hợp tác kỹ thuật của JICA dành cho Cảnh sát biển Việt Nam cũng được khởi động từ tháng 09 năm 2020. Trong tình hình đi lại giữa hai nước bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tháng 12 năm 2020, MCT đã tổ chức khóa tập huấn về thực thi pháp luật trên biển dành cho 10 cán bộ của Cảnh sát biển Việt Nam theo hình thức trực tuyến trong khuôn khổ chương trình của JICA.
 
Giờ học lý thuyết về kiểm tra tàu tại chỗ trong khóa tập huấn
tháng 12 năm 2020 của MCT
(Nguồn: Cảnh sát biển Nhật Bản)
Giờ học thực hành về khống chế đối tượng trong khóa tập huấn
tháng 12 năm 2020 của MCT
(Nguồn: Cảnh sát biển Nhật Bản)



 Để đảm bảo an ninh, an toàn trên biển hướng tới mục tiêu hiện thực hóa một vùng biển hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật đòi hỏi lực lượng bảo an trên biển của các nước phải tăng cường liên kết, hợp tác cũng như nâng cao năng lực của mình hơn nữa. Trong tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, khi đi lại giữa hai nước bị hạn chế, Nhật Bản càng cần tư duy, tìm tòi cách thức để tiếp tục duy trì các hoạt động hỗ trợ, liên kết trong thời gian tới.