Trao đổi công hàm “Dự án phát triển kinh tế xã hội” (Dự án tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực hàn cho trường Đại học Bách khoa Hà Nội) trong khuôn khổ Viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản và Liên kết hợp tác với Viện nghiên cứu hàn và ghép nối Đại học Osaka (Joining and Welding Research Institute Osaka University)
Ngày 1 tháng 5 năm 2022, tại lễ trao văn kiện được tổ chức sau buổi hội đàm cấp cao giữa lãnh đạo hai nước Nhật Bản – Việt Nam, trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước, hai bên đã trao đổi công hàm “Dự án phát triển kinh tế xã hội” (Dự án tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực hàn cho trường Đại học Bách khoa Hà Nội) trong khuôn khổ Viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Theo dự án này, các thiết bị hàn và nối (trị giá 550 triệu Yên) sẽ được cung cấp cho trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
(Tham khảo)
Trao đổi văn kiện về Khoản vay bằng đồng Yên và Viện trợ không hoàn lại cho nước CHXHCN Việt Nam
https://www.mofa.go.jp/press/release/press4e_003118.html
Công nghệ hàn ghép nối là công nghệ nền tảng cho lĩnh vực công nghiệp như chế tạo, xây dựng, hạ tầng xã hội, vì thế đây là công nghệ hết sức quan trọng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang rất thiếu các kỹ sư trong lĩnh vực hàn ghép nối hiểu rõ nguyên lý và kỹ thuật hàn, thiết kế và phát triển được công nghệ ghép nối phù hợp theo môi trường và vật liệu cũng như kiểm soát được chất lượng. Để phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp và xã hội của Việt Nam ở giai đoạn tiếp theo, việc đào tạo kỹ sư hàn ghép nối là hết sức quan trọng.
Từ năm 2013, Khoa Cơ khí Đại học Bách khoa Hà Nội, đơn vị đầu ngành đào tạo về công nghệ hàn tại Việt Nam đã hợp tác với Viện nghiên cứu hàn và ghép nối Đại học Osaka, viện nghiên cứu hàng đầu thế giới chuyên về công nghệ hàn và ghép nối duy nhất tại Nhật Bản, để đào tạo các kỹ sư hàn và tăng cường nghiên cứu công nghệ hàn và ghép nối. Cho đến nay đã có 4 giảng viên và nghiên cứu viên trẻ của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội theo học chương trình tiến sĩ tại Viện nghiên cứu hàn và ghép nối Đại học Osaka, họ được kì vọng sẽ là những người dẫn dắt công tác nghiên cứu và đào tạo kỹ sư trong lĩnh vực này tại Việt Nam trong thời gian tới. Hơn nữa, sự hợp tác giữa Khoa Cơ khí Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Viện nghiên cứu hàn và ghép nối Đại học Osaka đã kết nối các công ty Nhật Bản đang hoạt động trong các lĩnh vực liên quan tại Việt Nam, tạo dựng nền tảng liên kết quốc tế giữa doanh nghiệp và trường đại học để phát triển công nghệ hàn ghép nối và đào tạo kỹ sư hàn tại Việt Nam.
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đang có kế hoạch thành lập Viện Nghiên cứu Công nghệ Hàn Việt Nam (tên dự kiến). Thông qua việc hợp tác và liên kết với Viện nghiên cứu hàn và ghép nối Đại học Osaka và dự án cung cấp thiết bị lần này, Viện Nghiên cứu Công nghệ Hàn Việt Nam (tên dự kiến) sẽ trở thành cơ sở nghiên cứu công nghệ hàn ghép nối và đào tạo kỹ sư trong lĩnh vực này không chỉ ở Việt Nam mà của cả khu vực ASEAN, đóng góp vào sự phát triển của hoạt động sản xuất công nghiệp.