Diễn đàn Giao lưu Phát triển Nhân lực Nhật Việt tại tỉnh Hà Tĩnh

2018/10/16
 Ngày 13 tháng 10 vừa qua, Diễn đàn “Giao lưu phát triển nhân lực Nhật Việt” là hội thảo về thực tập sinh kỹ năng và du học do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam hỗ trợ đã được tổ chức tại tỉnh Hà Tĩnh trong khuôn khổ các sự kiện kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Diễn đàn Giao lưu phát triển nhân lực Nhật Việt là một sự kiện do tổ chức NPO của Nhật Bản là Hiệp hội Thân thiện Quốc tế Nhật Bản và Tài đoàn Quản lý Lao động Quốc tế cùng phối hợp tổ chức với mục đích cung cấp những thông tin chính xác về cơ chế thực tập sinh kỹ năng và du học cũng như nhằm thúc đẩy giao lưu phát triển nhân lực giữa Nhật Bản và Việt Nam (Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại Nhật Bản cùng hỗ trợ).  
 
 Diễn đàn Giao lưu đã nhận được sự tham gia của khoảng 240 người bao gồm các em học sinh, sinh viên có nguyện vọng đi du học và thực tập kỹ năng tại Nhật Bản, cùng các cá nhân liên quan của các công ty phái cử, các tổ chức giáo dục.

 Với mong muốn thúc đẩy hoạt động du học và đi thực tập kỹ năng một cách phù hợp, trong bài phát biểu của đại diện Đại sứ quán Nhật Bản đã nhấn mạnh 3 điểm mà các em học sinh, sinh viên cần lưu ý khi xem xét quyết định đi du học cũng như thực tập kỹ năng như sau:
  1. Không du học vì mục đích kiếm tiền
  2. Không sử dụng trung gian (để làm thủ tục)
  3. Không trả phí quá cao
   Trong thời gian tới, Đại sứ quán Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực cung cấp những thông tin chính xác nhằm lành mạnh hóa các hoạt động liên quan đến thực tập sinh kỹ năng và du học thông qua những cơ hội giao lưu tương tự như sự kiện nêu trên.

   (Nội dung phát biểu của Đại sứ quán Nhật Bản)
   Xin chân thành cảm ơn vì đã cho tôi cơ hội quý báu được phát biểu tại Diễn đàn Giao lưu Phát triển Nhân lực Nhật Việt tại tỉnh Hà Tĩnh ngày hôm nay. Tôi xin được thay mặt Đại sứ quán Nhật Bản có đôi lời phát biểu, đồng thời xin được cung cấp những thông tin chính xác về du học và thực tập kỹ năng. 

   Cung cấp thông tin đúng đắn và chính xác về du học và thực tập kỹ năng là điều vô cùng quan trọng. Vì vậy, Diễn đàn Giao lưu Phát triển Nhân lực Nhật Việt lần này là một hoạt động có ý nghĩa đối với tỉnh Hà Tĩnh và Việt Nam. 

   Tôi xin bày tỏ sự cảm kích đối với Hiệp hội Thân thiện Quốc tế Nhật Bản (JIFA) và Công ty Quản lý Lao động Quốc tế (IPM) và các tổ chức cũng như các cá nhân liên quan của tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực tổ chức Giao lưu lần này. 
 
 Hôm nay, tôi xin được nêu tóm tắt 4 điểm như sau:
 Thứ nhất, hai nước Nhật Bản và Việt Nam chúng ta đang xây dựng mối quan hệ vô cùng tốt đẹp dựa trên nền tảng Đối tác Chiến lược Sâu rộng. Nhiều chuyến viếng thăm của lãnh đạo cấp cao của hai nước đã được thực hiện. Đặc biệt, năm vừa qua Nhà Vua và Hoàng Hậu Nhật Bản đã lần đầu tiên thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản đến thăm Việt Nam 2 lần, Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Nhật Bản vào tháng 5 và tuần vừa qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã sang thăm Nhật Bản và hai bên đã tổ chức hội đàm thượng đỉnh Nhật Việt.
 Năm nay là năm kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Diễn đàn Giao lưu Phát triển Nhân lực Nhật Việt lần này cũng được tổ chức trong khuôn khổ các sự kiện kỷ nhiệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
 
 Không chỉ dừng ở các chuyến viếng thăm song phương của các lãnh đạo cấp cao, giao lưu giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, kinh tế v.v…Hiện tại, số người Nhật Bản đang sinh sống tại Việt Nam là khoảng 16,000 người, tăng gấp đôi trong vài năm vừa qua, mặt khác, số người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản đã vượt qua con số 290,000 người, đứng thứ ba so với các nước. Trong đó, thực tập sinh kỹ năng người Việt Nam đã vượt Trung Quốc, đứng thứ nhất từ 2 năm về trước, và vượt con số 130,000 vào tháng 6 năm nay, tăng 17 lần so với năm 2010. Về du học sinh, Việt Nam đứng thứ 2 sau Trung Quốc với hơn 80,000 sinh viên vào tháng 6 năm nay, tăng 16 lần so với năm 2010. 
 
   Giao lưu giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam ngày càng mở rộng là một việc vô cùng đáng mừng, nhiều thanh niên trẻ Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản góp phần vào giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động của Nhật Bản do dân số già hóa và tỉ lệ sinh thấp.
   Tuy nhiên, sự gia tăng số lượng du học sinh và thực tập sinh kỹ năng cũng kéo theo một số vấn đề phát sinh, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ Nhật Việt. 
   Số lượng thực tập sinh kỹ năng bỏ trốn là vấn đề nổi cộm, trong đó hơn nữa số thực tập sinh bỏ trốn là người Việt Nam. Số lượng người cư trú bất hợp pháp cũng gia tăng hàng năm.
   Vấn đề nghiêm trọng hơn hết là vấn đề tội phạm gia tăng. Trong số các vụ án hình sự, Việt Nam đứng thứ 1 và đang ngày càng theo chiều hướng xấu đi với số vụ việc tăng 68% so với năm trước.
   Các bạn thanh nhiên Việt Nam đến Nhật Bản cùng với những ước mơ và kỳ vọng của bản thân, chắc chắn không có ai muốn đến Nhật Bản với ý định phạm pháp. Tuy nhiên, có những người đã bị đặt vào hoàn cảnh bắt buộc phải phạm pháp. Họ là những thanh viên đến Nhật Bản cùng với khoản nợ vay lớn và do không thể trả được nợ nên sa vào con đường phạm tội.
   Tại Việt Nam và Nhật Bản có nhiều các cơ quan phái cử, công ty môi giới du học bất chính, và đối với họ các thanh niên Việt Nam như là món mồi và từ đây làm cho cuộc đời của các thanh niên trở nên tồi tệ.
   Chúng tôi lo lắng tình trạng này sẽ làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Việt Nam tại Nhật Bản và hình ảnh của Nhật Bản tại Việt Nam. Đây là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với Đại sứ quán.
 Nội dung thứ hai xin được trao đổi với các bạn là khuyến khích du học đúng mục đích và những điểm cần lưu ý.
 Trước hết, hãy chú ý để không bị các cơ quan phái cử bất chính lừa đảo bằng những lời đường mật về du học cũng như thực tập kỹ năng. Đại sứ quán Nhật Bản cũng đang nỗ lực để cung cấp những thông tin chính xác, các bạn hãy thu thập những thông tin đúng và chính xác.
 Cố gắng không bị dụ dỗ bởi những thông tin không đúng sự thật như “Vừa học vừa làm thêm cũng có thể kiếm được 1 tháng vài chục vạn Yên”, “Tiền lương kiếm được bằng làm thêm trong thời gian du học đủ để trang trải học phí, chi phí sinh hoạt và gửi tiền về nhà”…
Chi phí sinh hoat bình quân của một sinh viên đại học bao gồm cả tiền nhà là trên 10 vạn Yên, thêm vào đó là học phí. Các cơ sở đào tạo tiếng Nhật, đại học chỉ tính riêng học phí hàng năm chưa kể phí nhập học là vào khoảng 50 đến 150 vạn Yên. Với thu nhập làm thêm khó có thể chi trả chi phí sinh hoạt thì việc phải trả thêm học phí là vô cùng khó khăn.
 Để du học thì cần có tài sản đủ để đảm bảo chi phí sinh hoạt cũng như có thêm học bổng v.v…
 Có nghĩa là du học sinh với mục đích kiếm tiền là không được chấp nhận.
 Chúng tôi khuyến khích chỉ những bạn có điều kiện du học như học bổng sang du học tại Nhật Bản.
 Du học là để học tập chứ không phải vì mục đích lao động kiếm tiền. Du học tuyệt đối không phải là cách thay thế cho thực tập kỹ năng.
 Và việc trông cậy vào các công ty tư vấn du học và môi giới chỉ làm tăng nợ vay một cách không cần thiết.
 Xin vui lòng tham khảo thông tin liên quan đến du học tại trang web Đại sứ quán Nhật Bản và Tổ chức hỗ trợ sinh viên Nhật Bản (JASSO), các trang web này không chỉ đăng tải thông tin bằng tiếng Nhật mà thông tin tiếng Việt cũng rất đầy đủ.
 Ngoài ra, du học và thực tập kỹ năng cũng đã được nêu ra tại hội đàm thượng đỉnh Nhật Việt tuần vừa qua. Thủ tướng Abe phát biểu “các biện pháp đối với các mô giới kém chất lượng và các cơ quan tiếp nhận không phù hợp là vô cùng quan trọng, vì vậy Nhật Bản mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác”. Hai bên cũng đã ký kết “Biên bản Ghi nhớ về Du học sinh Việt Nam học tại Nhật Bản”.
 Rất mong các bạn lưu ý du học phù hợp bằng học bổng v.v…
Giáo dục có sức mạnh mở ra tương lai. Việc tiếp nhận giáo dục bài bản không chỉ thắp sáng tương lai của bản thân mà còn góp phần xây dựng Việt Nam ngày càng giàu đẹp hơn.
 Tôi cho rằng việc duy trì và phát triển mối quan hệ hai nước Nhật Bản và Việt Nam là quan trọng. Chắc chắn là trong số các bạn sẽ bạn sang Nhật Bản du học v.v…trong tương lai. Tôi kỳ vọng rằng mỗi bạn hãy nhận thức mình là đại diện của Việt Nam, hãy cố gắng học tập tại Nhật Bản, và trở thành cầu nối giữa Việt Nam và Nhật Bản.
 Cuối cùng rất mong các bạn đừng nghĩ đến việc du học để kiếm tiền.
 
 Kế tiếp là nội dung khuyến khích thực tập kỹ năng phù hợp và các điểm cần lưu ý:
  Về thực tập kỹ năng, xin được nêu 5 điểm như sau: (1) Chi phí của cơ quan phái cử  (2) Cấm mô giới,(3) Sự cần thiết của tiếng Nhật,(4) Thực tập kỹ năng ngành hộ lý, (5) Tư cách lưu trú mới (Kỹ năng đặc biệt).

(1) Chi phí của các cơ quan phái cử
   Thực tập kỹ năng là cơ chế qua đó lao động vừa làm việc tại các doanh nghiệp tại Nhậ Bản trong thời gian từ 3 đến 5 năm vừa học các kỹ năng và vận dụng các kỹ năng đã học hỏi được tại Nhật Bản sau khi về nước. Cơ chế này cũng có chương trình 1 năm, tuy nhiên Tôi không khuyến thích các bạn tham gia chương trình này, hãy hướng đến chương trình thực tập kỹ năng trong những ngành nghề có thể lưu trú tại Nhật Bản trên 3 năm.
   Về thực tập kỹ năng, khác với du học, các bạn không thể trực tiếp làm thủ tục mà phải thông qua cơ quan tư vấn.
   Do đó, hầu hết mọi người đều nhờ vào các cơ quan phái cử để đến Nhật Bản theo chương trình thực tập kỹ năng.
   Có trên 300 cơ quan phái cử. Đáng tiếc là trong các doanh nghiệp này không chỉ có doanh nghiệp tốt mà còn có doanh nghiệp bất chính. Mong các bạn chú ý để tuyệt đối không phải sang Nhật Bản với chi phí cao như chi phí vượt quá 200 triệu. Đừng để bản thân bị cơ quan bất chính lừa đảo. 
   Theo thông báo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (MOLISA), chi phí đối với thực tập sinh kỹ năng là dưới 3,600 USD trong trường hợp thực tập trong 3 năm và dưới 2,000 USD trong trường hợp 1 năm. Việc thu phí của thực tập sinh kỹ năng trước khi được cấp giấy chứng nhận tư cách tư trú bị cấm với bất kỳ hình thức nào. Chi phí cho 520 giờ đào tạo tiếng Nhật trước khi đi thực tập kỹ năng được quy định là dưới 5,900,000 đồng.
   Ngoài ra, luật Nhật Bản cũng cấm thu tiền bảo lãnh.
 Hãy lưu ý không trả phí vượt mức không cần thiết. Và, hãy lấy biên lai khi trả phí. Chi phí trả mà không có biên lai thì không đúng. Và nếu trả rồi mà nhận biên lai thì không thể chứng minh việc bản thân đã trả phí.
 Về mức phí, không nên hiểu là phí càng cao thì càng yên tâm. Ngược lại mức phí vượt trần là vi phạm pháp luật. Trong trường hợp đi Nhật Bản, có trương hợp chi phí được miễn vì là chương trình của nhà nước như ứng viên điều dưỡng hộ lý theo chương trình EPA. Đương nhiên, cần phải chú ý những nội dung đường mật, phí cao hoàn toàn không có nghĩa là an tâm và miễn phí không có nghĩa là lừa đảo. Hãy tham khảo thông tin trên website của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước của MOLISA v.v…  
 
(2) Cấm môi giới
   Trong biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam về thực tập kỹ năng có ghi rõ nội dung cấm môi giới. Hãy liên hệ trực tiếp với cơ quan phái cử chứ không thông qua môi giới.
   Những ai phải thông qua môi giới mới tiếp cận được các cơ quan phái cử thì hãy từ bỏ ý định đi ra nước ngoài. Vì qua môi giới chỉ khiến cho mình phải mang nợ và bất hạnh.  
   Cần tự mình mở ra con đường cho bản thân chứ không nên nhờ người khác làm hộ. Nghe ý kiến của cha mẹ và bạn bè là quan trọng, những không nên chỉ dựa vào đó mà hãy nỗ lực có được những thông tin đúng từ nhiều nơi. Hãy tìm hiểu thông tin qua Internet hoặc gọi điện trực tiếp cho cơ quan phái cử. Tìm kiếm thông tin khi còn ở trong nước đến sau khi đi Nhật cũng hãy tiếp tục tiếp cận thông tin chính xác. Hãy chú ý không tiếp thu những thông tin không chính xác và bị lừa đảo bởi những lời đường mật.

(3) Sự cần thiết của tiếng Nhật
   Việc học tiếng Nhật là đương nhiên trước khi đi Nhật, sau khi đến Nhật Bản cũng hãy tiếp tục học tiếng Nhật. Để làm việc và sinh sống tại Nhật Bản thì tiếng Nhật là vô cùng quan trọng.
   Hãy tích cực sử dụng tiếng Nhật như một công cụ để giao tiếp, đồng thời hãy mài dũa năng lực tiếng Nhật với mục tiêu tham gia kỳ thi năng lực tiếng Nhật (JLPT) v.v...
   Có được năng lực tiếng Nhật cao, đó sẽ trở thành tài sản cả đời người. Tài sản này quý hơn số tiền 200 vạn, 300 vạn kiếm được tại Nhật Bản.
 
(4) Thực tập kỹ năng ngành hộ lý
   Ngành hộ lý mới được đưa vào danh sách các ngành nghề thực tập kỹ năng. Các bạn đã tốt nghiệp trường điều dưỡng là đối tượng chủ yếu của chương trình này, khi mới đến Nhật Bản cần có năng lực tiếng Nhật N4, sang năm thứ 2 cần có năng lực tiếng Nhật trình độ N3.
   Nếu có bạn đã tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng và đang nghĩ đến việc đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản theo ngành hộ lý thì hãy xem xét tham gia ứng cử chương trình ứng viên hộ lý điều dưỡng lần 7 dựa trên Hiệp định EPA Nhật Việt. EPA là chương trình do Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam hỗ trợ toàn diện. Hạn chót đăng ký là ngày 19 tháng 10.
 
(5) Tư cách lưu trú mới (Kỹ năng đặt biệt)
 Nhật Bản đang xem xét đưa ra tư cách lưu trú mới là thực tập kỹ năng đặc biệt bên cạnh tư cách thực tập kỹ năng vào tháng 4 năm 2019.
 Tư cách mới này áp dụng cho các bạn đã hoàn tất chương trình thực tập kỹ năng trên 3 năm và các bạn có kỹ năng tay nghề cũng như năng lực tiếng Nhật tương đương với thời gian thực tập kỹ năng tại Nhật Bản kéo dài đến 5 năm trong các ngành nghề như: Nông nghiệp, Hộ lý, Xây dựng, Đóng tàu v.v…
 Do đó, sau thời gian 5 năm thực tập kỹ năng, các bạn có thể tiếp tục làm việc thêm 5 năm theo cơ chế thực tập kỹ năng đặc biệt, và tổng cộng thời gian lưu trú tại Nhật Bản dài nhất có thể lên đến 10 năm. Chi tiết về cơ chế này vẫn đang được xem xét, và chúng tôi sẽ thông tin đến các bạn khi có những tiến triển mới.
 Cuối cùng xin được tóm lại ý chính là để xây dựng cơ chế thực tập kỹ năng tốt hơn thì không chỉ cần nỗ lực của Chính phủ hai nước Nhật Bản và Việt Nam, mà còn cần nỗ lực của các bên có liên quan bao gồm cơ quan phái cử, tổ chức quản lý lao động, doanh nghiệp tiếp nhận và nỗ lực của bản thân các bạn thực tập sinh kỹ năng, vì vậy, trong thời gian tới, rất mong nhận được sự hợp tác hơn nữa của tất cả các bạn.  
   Về phía Đại sứ quán Nhật Bản, chúng tôi đang tiếp tục tiến hành tăng cường phỏng vấn cấp visa, tác động với cơ quan liên quan, công bố những công ty môi giới du học bất chính, đình chỉ tiếp nhận hồ sơ đại diện xin visa trong một thời gian của các công ty môi giới bất chính, thông báo rộng rãi nhằm cung cấp thông tin, đề nghị các lãnh đạo của các địa phương hợp tác v.v…nhằm nỗ lực giảm bớt các trường hợp các bạn thanh niên Việt Nam bị lừa đảo và gặp điều không hay.

   Xin được một lập lại 3 điểm như sau:
   (1) Không du học vì mục đích kiếm tiền,
   (2) Không sử dụng môi giới,
   (3) Không trả phí cao.
 
 Cuối cùng xin chúc các bạn dồi dào sức khỏe, chúc cho mối quan hệ Nhật Việt ngày càng phát triển. Xin kết thúc bài phát biểu tại đây. Mong các bạn hãy cố gắng hơn nữa.

 
(Quang cảnh hội trường) (Chụp hình lưu niệm)


 
Địa chỉ liên hệ
Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
Ban kinh tế: cán bộ phụ trách Ông Momoi
Điện thoại: +84-24-3846-3000
Fax: +84-24-3846-3044