Lời mở đầu của Đại sứ Yamada
2024/4/24
Bài phát biểu của Đại sứ Yamada Takio tại Tiệc chia tay Đại sứ
(Ngày 23 tháng 4 năm 2024)
Kính thưa,
-Ngài Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam
-Đại diện các cơ quan Đảng, Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh, thành phố
-Đại diện các cơ quan ngoại giao
-Đại diện cộng đồng người Nhật tại Việt Nam
-Cùng toàn thể các Quý vị khách quý tham dự buổi lễ
Tôi xin chân thành cảm ơn các Quý vị đã dành thời gian đến tham dự tiệc chia tay của tôi ngày hôm nay.
Thời gian thấm thoát trôi thật nhanh. Kể từ khi nhận nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam vào tháng 4 năm 2020 đến nay đã 4 năm trôi qua. Nhờ có sự hỗ trợ của rất nhiều các cá nhân liên quan, đặc biệt là các Quý vị có mặt tại buổi lễ ngày hôm nay, tôi đã có thể hoàn thành tốt các công việc được giao. Một lần nữa, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tất cả các Quý vị.
Chia sẻ thật sự tâm trạng của tôi giờ đây. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm phần nào khi nghĩ tới việc bản thân sẽ trút được trọng trách nặng nề đó là điều phối về mặt ngoại giao quan hệ Nhật Việt hết sức quan trọng và đang ngày càng thu hút sự quan tâm to lớn của khu vực cũng như thế giới hơn bao giờ hết.
Nhìn lại 4 năm vừa qua, nửa đầu nhiệm kỳ là những ngày tháng tất tưởi với công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, nửa sau nhiệm kỳ là thời điểm hai nước chào đón kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ hai nước đã phát triển mạnh mẽ chưa từng có từ trước đến nay. Công việc của tôi vô cùng bận rộn trong giai đoạn này nhưng tôi cảm thấy đó là quãng thời gian vô cùng ý nghĩa trong nhiệm kỳ công tác của mình.
Thời điểm tôi đến Việt Nam nhậm chức là vào tháng 4 năm 2020. Khi đó, dịch bệnh Covid-19 đang bắt đầu hoành hành trên thế giới. Thế giới đã và đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có từ trước đến nay. Nhật Bản và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.
Quan hệ Nhật Việt trong giai đoạn hết sức khó khăn nhưng hai nước vẫn đồng lòng sát cánh, cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh tình hình trong nước Nhật đang bị thiếu khẩu trang, Việt Nam đã sớm đề xuất tặng khẩu trang y tế cho Nhật Bản. Tôi sẽ không bao giờ quên mối ân tình này của phía Việt Nam.
Nhật Bản đã hỗ trợ tổng số 7 triệu liều vắc xin Covid-19 cho Việt Nam . Tôi chưa bao giờ cảm thấy thấm thía ý nghĩa của câu tục ngữ “Lúc gian nan mới biết ai là bạn” như lúc này.
Ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao giữa hai nước vẫn diễn ra liên tục không hề bị gián đoạn. Thủ tướng Suga Yoshihide đã chọn Việt Nam là điểm công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản và sang thăm Việt Nam vào tháng 10 năm 2020. Vào tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã sang thăm Nhật Bản trên cương vị là khách mời cấp cao đầu tiên sau khi Thủ tướng Kishida Fumio lên nắm quyền. Thêm vào đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã sang thăm Việt Nam vào tháng 4 năm 2022.
Việc tổ chức các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lây lan cần có sự chuẩn bị hết sức chi tiết và tỉ mỉ khác hẳn so với các chuyến thăm diễn ra thông thường. Nhật Bản và Việt Nam thảo luận và trao đổi sâu sắc đến tận đêm khuya. Một lần nữa, tôi xin bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn chân thành tới tất cả những người hợp tác trong việc chuyến thăm của lãnh đạo cả Nhật Bản và Việt Nam.
Năm 2023 đón chào một giai đoạn mới đánh dấu sự kết thúc của dịch bệnh Covid-19. Đây cũng là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Năm 2023 đã trở thành mốc son đáng nhớ mang tính lịch sử khi quan hệ hai nước đã được nâng cấp lên thành quan hệ “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hoà bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”.
Hoạt động giao lưu cấp cao giữa hai nước được triển khai hết sức nhộn nhịp vào năm 2023. Cuộc hội đàm trực tuyến giữa Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được diễn ra vào tháng 2 đã trở thành sự kiện mở đầu tuyệt vời cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) được tổ chức tại thành phố Hiroshima vào tháng 5. Thêm vào đó, nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào tháng 11, hai nước đã ra tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ hai nước lên thành “Đối tác Chiến lược toàn diện”. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Nhật Bản được diễn ra tại Nhật Bản vào tháng 12.
Trong năm 2023, nhiều lãnh đạo cấp cao của Nhật Bản đã sang thăm Việt Nam. Vào tháng 1 đầu năm 2023, Nguyên Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã sang thăm Việt Nam. Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam Nikai Toshihiro dẫn đầu Đoàn đại biểu của Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam đã sang thăm Việt Nam vào tháng 5. Trong thời gian chuyến thăm, ngoài Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản Trương Thị Mai, các lãnh đạo Việt Nam đã tiếp đón Đoàn vô cùng trọng thị và thân tình.
Vào tháng 9, Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Otsuji Hidehisa đã sang thăm chính thức Việt Nam. Cũng trong tháng 9, Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương đã thăm chính thức Việt Nam. Sau khi kết thúc các lịch trình tại Hà Nội như: hội kiến Chủ tịch nước, hội đàm với Phó Chủ tịch nước, tham dự lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, Hoàng Thái tử và Công nương đã đến thăm Đà Nẵng và Hội An, đóng góp to lớn vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Nhật Bản – Việt Nam.
Không chỉ dừng lại ở hoạt động giao lưu cấp cao như trên, Nhật Bản và Việt Nam đã tổ chức tổng số hơn 500 sự kiện kỷ niệm 50 năm khác nhau tại cả hai nước trên tất cả các cấp, các khu vực bao gồm: quy mô nhỏ, thế hệ trẻ gánh vác tương lai hai nước, địa phương, v.v… Đây chính là minh chứng cho việc tồn tại sợi dây gắn kết đồng cảm, sự gần gũi sâu rộng giữa nhân dân hai nước. Năm 2023 đã trở thành một năm tượng trưng cho quan hệ Nhật Việt được cho là đang phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay.
Tôi cho rằng đằng sau bối cảnh quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây như hiện nay, không chỉ do có sự đồng nhất lợi ích về mặt chính trị và kinh tế mà còn có sự “đồng cảm và cộng hưởng” đặc biệt được hình thành bởi sợi dây gắn kết mang tính lịch sử và văn hóa lâu đời giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Trong các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là một quốc gia có nhiều điểm gần gũi không chỉ về mặt địa lý mà còn về mặt lịch sử, văn hoá với khu vực Đông Bắc Á bao gồm Nhật Bản. Dựa trên việc Việt Nam chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo Đại thừa hay Nho giáo, nhiều từ vựng tiếng Việt có nguồn gốc chữ Hán, v.v… Việt Nam mang “Bản sắc Đông Bắc Á” rất rõ ràng mà các quốc gia Đông Nam Á khác không có.
Lịch sử giao lưu lâu đời giữa Nhật Bản và Việt Nam cũng được ghi chép lại đến tận ngày nay. Từ khoảng thế kỷ thứ 8, có một giai thoại được nhiều người biết đến về nhà sư Phật Triết đến từ Lâm Ấp (Việt Nam), người đã đến Nhật Bản và dâng lên điệu múa “Lâm Ấp Nhạc” – một loại hình nhã nhạc – trong nghi lễ Khai nhãn Đại Phật ở chùa Todaiji.
Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 17, việc giao thương bằng Châu Ấn thuyền (Shuinsen) đã gắn kết sâu sắc hai nước Nhật Bản và Việt Nam. Câu chuyện tình yêu giữa Công nữ Ngọc Hoa (công nữ Anio) của Chúa Nguyễn với thương nhân Araki Sotaro ở Nagasaki vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay. Vở Opera kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản mang tên “Công nữ Anio” đã được công diễn ở cả hai nước Nhật Bản và Việt Nam. Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương cùng Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã cùng thưởng thức vở opera này tại buổi công diễn đầu tiên được diễn ra tại Hà Nội vào tháng 9 năm 2023.
Cuối cùng, điều tôi mong muốn chia sẻ đó là trong bối cảnh đổi mới sáng tạo có những bước tiến nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu, phải chăng quan hệ Nhật Việt trong thời gian tới cần phải phát triển thành đối tác thúc đẩy hợp tác cao độ hơn nữa trong các lĩnh vực mới như: chuyển đổi số (DX), chuyển đổi xanh (GX), v.v... hay sao?
Trong 4 năm qua, tôi đã vô cùng ngạc nhiên trước sự ưu tú của các cá nhân người Việt Nam trên nhiều phương diện khác nhau. Lấy một ví dụ gần gũi với tôi, đó là Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam có rất nhiều nhân viên người Việt có khả năng và trình độ phiên dịch tiếng Nhật cao. Có lẽ không có một Đại sứ quán Nhật Bản trên thế giới nào có đội ngũ phiên dịch tiếng Nhật đông đảo như Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.
Tôi đã có cơ hội được diễn thuyết về quan hệ Nhật Việt trước nhiều sinh viên tại các trường Đại học của Việt Nam. Mỗi lần như vậy, tôi đều ấn tượng với sự ham học hỏi tìm tòi, những câu hỏi nhạy bén và trình độ tiếng Nhật cao của các bạn sinh viên Việt Nam.
Một trong những thế mạnh của Việt Nam đó là đào tạo ra nhiều nhân tài giỏi trong lĩnh vực khoa học và toán học. Năm vừa qua, tại Nhật Bản đã diễn ra kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế thu hút sự tham dự của nhiều thí sinh đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới. Tại kỳ thi này, đội tuyển Việt Nam đã đạt thành tích vô cùng xuất sắc, ngang hàng kết quả với đội tuyển Nhật Bản.
Quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam đã và đang cho thấy những dấu hiệu phát triển cao độ. Vào thời điểm cuối năm 2023, tổng số người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản là 570 nghìn người. Trong đó, tỷ lệ nhân lực trình độ cao đang ngày một gia tăng. Tỷ lệ doanh nghiệp về công nghệ thông tin (IT) chiếm trong tổng số doanh nghiệp Nhật Bản mới đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng. Đặc biệt, điều này được nhìn thấy rõ tại thành phố Đà Nẵng.
Thêm vào đó, trong Sáng kiến chung Nhật Việt mới được khởi động giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, việc đào tạo nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực DX, GX, v.v… cũng được đặt ra là vấn đề trọng yếu hàng đầu.
Trong bối cảnh như hiện nay, nhân lực trình độ cao của Nhật Bản và Việt Nam trở thành lực lượng chủ chốt trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, đóng góp cho sự phát triển của các ngành công nghiệp sử dụng kỹ thuật cao tại hai nước bao gồm các lĩnh vực đang nhận được sự quan tâm lớn gần đây như: chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), v.v… Tôi cảm thấy thời đại đó không còn xa xôi nữa mà đang đến rất gần. Tôi cũng tin tưởng rằng quan hệ “Đối tác Chiến lược toàn diện” giữa Nhật Bản và Việt Nam trong thời đại mới sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng vì hoà bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
41 năm công tác trong ngành Ngoại giao, tôi thật may mắn khi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Trong đó, tôi cảm thấy 4 năm công tác tại Việt Nam là khoảng thời gian vô cùng đặc biệt, mang lại cho tôi nhiều kiến thức bổ ích và có ý nghĩa to lớn đối với tôi.
Đặc biệt, năm 2023 - năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước đã trở thành mốc son lịch sử đối với quan hệ Nhật Việt, đánh dấu việc hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược toàn diện”. Đối với cá nhân tôi, đây thật sự là một năm quan trọng và tôi càng cảm thấy trân trọng hơn khi được vinh dự chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử quan trọng đối với hai nước, được cảm nhận tiềm năng hợp tác vô hạn của quan hệ Nhật Việt.
Không còn lâu nữa, tôi sẽ kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam. Sau này, cho dù ở bất kỳ lập trường nào, tôi cũng luôn trân trọng tình cảm tin cậy và thân thiết giữa tôi và các đồng nghiệp có lương duyên tại Việt Nam, đồng thời đóng góp sức lực nhỏ nhoi của mình cho sự phát triển của quan hệ Nhật Việt.
Một lần nữa, tôi xin chân thành cảm ơn sự hỗ trợ và hợp tác quý báu của các Quý vị đã dành cho tôi trong suốt thời gian qua. Tôi xin kết thúc bài phát biểu của mình tại đây.
Xin chân thành cảm ơn các Quý vị trong 4 năm qua.